image banner
 
SỬ DỤNG TIỀN DVMTR CHO CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG TẠI VÙNG ĐỆM VQG KON KA KINH.
Lượt xem: 61

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được thành lập năm 2002, theo Quyết định số 167/2002/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng chính phủ, trên cơ sở chuyển đổi và nâng cấp từ Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh, là một trong 27 Vườn của khu vực Đông Nam Á được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.

VQG Kon Ka Kinh có diện tích 42.143,25 ha, trong đó, rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) 39.335,52 ha, chiếm 93,3% diện tích quản lý. Vùng đệm có diện tích 15.184,48 ha, nằm trên địa bàn của 23 thôn làng, thuộc 7 xã của 3 huyện Mang yang, Kbang và Đăk Đoa; có 6.710 hộ gia đình (32.088 nhân khẩu) sinh sống, đa số là dân tộc thiểu số người Ba Na, với 60% là hộ nghèo, 16% là hộ cận nghèo. Nhân dân sống trên địa bàn có tập quán du canh, du cư, phát rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật hoang dã làm thức ăn đã hình thành lâu đời, ăn sâu vào trong tiềm thức là thách thức không nhỏ trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của đơn vị. Xây dựng và phát triển VQG Kon Ka Kinh phải giải quyết bằng được những vấn đề đặt ra trong thực tiễn quan trọng nhất đang đối mặt hiện nay, đó là, cần những giải pháp hiệu quả có thể tạo nên sự cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên với sự thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người.Theo quan niệm trước đây, các khu bảo tồn thiên nhiên thường được xem như một khu vực tách biệt với thế giới loài người. Quan niệm này, đã dẫn đến những sai lầm trong quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên. Kết quả là, thiên nhiên vẫn liên tục bị con người tác động theo hướng tiêu cực: tàn phá mà nguyên nhân do những áp lực xã hội và sinh thái cả trong và ngoài khu bảo tồn.Thực tế cho thấy, tại các khu bảo tồn, vườn quốc gia, ngoài những khu vực không có hoặc chịu rất ít tác động của con người với những qui định kiểm soát chặt chẽ, được gọi là “vùng lõi”, cần thúc đẩy phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, phát triển giáo dục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở các vùng xung quanh được gọi là “vùng đệm”, trong đó, người dân địa phương đóng vai trò chủ chốt. Có như vậy, công tác bảo tồn mới đạt hiệu quả lâu dài và bền vững.

Chính sách chi trả DVMTR đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đã mang lại cho VQG Kon Ka Kinh và người dân vùng đệm những cơ hội mới trong việc gắn kết nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học với tạo lập công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đệm, giúp họ từng bước thoát nghèo dựa vào bảo vệ rừng và tham gia các chương trình phát triển bền vững tại VQG Kon Ka Kinh

anh tin bai
Hình 1. Người dân tham gia nghiệm thu giao khoán. Ảnh Nguyễn Quốc Luân.

Trước đây, việc hỗ trợ vùng đệm do ngân sách nhà nước chi trả theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ khi triển khai chính sách chi trả DVMTR, đơn vị đã xác định tập trung ưu tiên sử dụng nguồn lực tài chính từ tiền DVMTR để hỗ trợ nhân dân trong vùng đệm tham gia quản lý bảo vệ rừng, vừa bảo đảm diện tích rừng được giữ gìn, vừa góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sống trong rừng, gần rừng thúc đẩy họ gắn bó với rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình nghèo.

Kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện chi trả DVMTR tại VQG Kon Ka Kinh: Một là, Tiền chi trả DVMTR nhận được trong 5 năm 28.805 triệu đồng, bình quân 5.760 triệu đồng/năm, đã bổ sung vào nguồn lực tài chính hàng năm của đơn vị, chiếm 25% tổng nguồn vốn, phản ánh giá trị kinh tế từ hoạt động lâm nghiệp của VQG Kon Ka Kinh vào phát triển kinh tế, đồng thời, thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Theo đó, đơn vị đã tập trung  mở rộng diện tích giao khoán bảo vệ rừng đối với vùng đệm cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư sống trong vùng. Tính đến cuối năm 2015, diện tích giao khoán bảo vệ từ 8.000 ha tăng lên 11.200 ha, chiếm 73,7% diện tích vùng đệm, tăng 1,4 lần so với trước khi thực hiện chính sách. Số hộ nhận khoán bảo vệ rừng từ 320 hộ tăng lên 449 hộ, tăng 40%, chiếm 6,7% tổng số hộ trong vùng. Đây là cơ hội để đông đảo người dân trong vùng tham gia vào chính sách chi trả DVMTR; Hai là,  Môi trường rừng được giữ vững. Từ năm 2008-2011 có  56 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, sau khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR đến 2015, số vụ vi phạm giảm xuống còn 40 vụ; phục hồi và phát triển hệ động vật, thực vật, bao gồm 1.022 loài thực vật, 351 loài động vật có xương sống và 205 loài động vật không có xương sống; bảo vệ các nguồn gen quí hiếm gồm 22 loài thực vật, 47 loài động vật; bảo vệ các hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học có tác dụng quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn cho các sông: sông Ba, Đăk Pne và sông A yun, điều hòa khí hậu, duy trì cân bằng sinh thái và môi trường, chắn gió, chống bão, lũ lụt, sạt lở đất cho vùng hạ lưu, hệ thống giao thông trong vùng, giảm tác động và những rủi ro của thiên tai, góp phần vào chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia  và phát triển kinh tế-xã hội địa phương; Ba là, Tiền DVMTR chi trả cho hộ nhận khoán bảo vệ rừng trong 5 năm 6.435 triệu đồng, chiếm 22,3% tổng số đã nhận,bình quân 5,2 triệu đồng/hộ/năm đã bổ sung thu nhập cho hộ nhận khoán. Hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm khoảng 1 tỷ đồng/năm vào các hạng mục công trình: cung cấp cây giống chất lượng để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ giống vật nuôi, tu sửa và xây dựng về cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ cày máy, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, xây dựng cổng làng; hỗ trợ cho 5 tổ liên ngành các xã vùng đệm hàng chục triệu đồng/năm và hợp đồng với các cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số sống trong vùng đệm để bảo vệ rừng giáp ranh giữa các xã. Tác động của chính sách về xã hội trong vùng đệm đã góp phần cải thiện sinh kế người làm nghề rừng, từng bước thoát nghèo; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; tạo động lực thúc đẩy họ cùng với đơn vị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; từng bước củng cố khối đại đoàn kết dân cư và ổn định trật tự an toàn xã hội trong vùng đệm, được người dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia thực hiện chính sách chi trả DVMTR.

 

IMG_4980-(1).JPG
Hình 2: Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (2011-2015). Ảnh Hồ Ngọc Thọ

Ngoài ra, tiền DVMTR đã chi hỗ trợ cho các lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ hàng năm từ 300 đến 500 triệu đồng, phối hợp với lực lượng kiểm lâm của VQG thực hiện hàng trăm đợt tuần tra, truy quét lâm tặc trong vùng đệm, cũng đã góp phần hạn chế thấp nhất việc khai thác, phá rừng và săn bắt động vật rừng trái phép. Từ nguồn lực DVMTR đã tạo điều kiện đơn vị sử dụng kết hợp chặt chẽ nhiều lực lượng trong công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng trong vùng đệm và kịp thời xử lý các vụ vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn lâm phần của VQG Kon Ka Kinh.

 

21.jpg

Hình 3: Cán bộ Kiểm lâm Vườn Quốc gia phối hợp với các lực lượng liên ngành tuần tra rừng.Ảnh Phan Văn Luyến.

Công tác quản lý sử dụng tiền DVMTR đối với cùng đệm của VQG Kon Ka Kinh được chú trọng triển khai tích cực. Mọi hoạt động chi trả giữa đơn vị với hộ nhận khoán và các giải pháp hỗ trợ phát triển cộng đồng trong vùng được thực hiện công khai, minh bạch từ các khâu hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, công bố diện tích giao khoán cho từng hộ, mức tiền chi trả cho 01 ha rừng nhận khoán; quá trình phân phối và sử dụng tiền DVMTR đối với vùng đệm cũng được công khai, minh bạch trong nội bộ đơn vị và cho tất cả hộ nhận khoán cũng như cấp chính quyền cơ sở gắn với kết quả nghiệm thu rừng hàng năm; các khó khăn vướng mắc về chính sách chi trả và sử dụng tiền DVMTR trong vùng đệm cũng được đơn vị xem xét, giải quyết kịp thời.

 

13.jpg

Hình 4: Cán bộ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh phát tiền giao khoán cho người dân vùng đệm.(Ảnh - Khánh Toàn).

Những kết quả mang lại trong sử dụng tiền chi trả DVMTR trong vùng đệm của VQG Kon Ka Kinh đã minh chứng chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến công tác quản lý bảo vệ rừng ở vùng đệm. Sử dụng tiền DVMTR cho công tác bảo vệ rừng tại vùng đệm mang lại hiệu quả thiết thực không những rừng được quản lý bảo vệ tốt hơn mà còn cải thiện cuộc sống cho nhân dân tham gia bảo vệ rừng trong vùng. Theo phản ánh của chính quyền cơ sở và nhiều hộ nhận khoán bảo vệ rừng đã phát biểu: “ Việc khoán bảo vệ rừng và công tác hỗ trợ làng đã được đến với từng người dân vùng đệm và thực hiện rất tốt, kịp thời, đúng đối tượng trong việc hỗ trợ sinh kế cho người dân. Chúng tôi mong muốn Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ làng và xét tăng thêm phần diện tích khoán bảo vệ rừng để người dân có thêm thu nhập qua đó sẽ hạn chế được vi phạm về QLBVR”. Điều đó, đã khẳng định việc tập trung tiền chi trả DVMTR sử dụng vào công tác bảo vệ rừng ở vùng đệm là cần thiết, thõa mãn kỳ vọng của chính sách chi trả DVMTR.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được trong 5 năm vừa qua, thời gian tới, VQG Kon Ka Kinh tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng tiền chi trả DVMTR cho vùng đệm theo hướng sau:

    Thứ nhất, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ rừng cho người dân, cộng đồng và giáo dục môi trường cho thế hệ trẻ trong vùng đệm. Hàng năm, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung, phương pháp để triển khai  tuyên truyền bảo vệ rừng gắn với hưởng lợi từ rừng đến với từng người dân vùng đệm thông qua những đợt họp thôn, sinh hoạt cộng đồng, giáo dục môi trường trong các trường học. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận  cao trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của người dân vùng đệm

    Thứ hai,  Nâng cao tỷ trọng sử dụng tiền chi trả DVMTR cho vùng đệm và mức chi trả cho hộ nhận khoán cao hơn mức chi trả hiện hành. Căn cứ kế hoạch chi trả được thông báo và số tiền DVMTR được thanh toán hàng năm, đơn vị lập dự toán thu, chi tiền DVMTR, trong đó xác định tỷ trọng phân bổ cho vùng đệm dựa vào diện tích rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng và các nhu cầu khác cần ưu tiên cho vùng đệm trong quản lý bảo vệ rừng. Nâng tỷ trọng diện tích giao khoán bảo vệ đạt mức tối đa và mở rộng đối tượng hộ nhận khoán, trong đó ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo trong vùng đệm.

    Thứ ba,  Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ trong quá trình sử dụng tiền DVMTR cho vùng đệm. Việc kiểm tra, giám sát được tiến hành từ khâu lập dự toán đến quá trình tổ chức thực hiện dự toán sử dụng tiền DVMTR. Quá trình kiểm tra, giám sát có sự tham gia của hộ nhận khoán bảo vệ rừng để bảo đảm tiền DVMTR được quản lý, sử dụng công khai, minh bạch, đúng mục đích và hiệu quả./.

                                                                                          Nguyễn Văn Hoan
                                                                    Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh
Tin liên quan