image banner
 
29/11/2023
KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI CAO NGUYÊN KON HÀ NỪNG

1. Giới thiệu chung

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng (gọi tắt là Khu DTSQ) là một vùng sinh thái rộng lớn nằm ở phía Đông - Bắc của tỉnh Gia Lai, tiếp giáp với 03 tỉnh Kon Tum, Quảng ngãi và Bình Định. Đây là nơi lưu giữ hệ động thực vật phong phú, đa dạng có tính đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam.

 

anh tin bai
Thác Hang Én (Thác K50)  

          1.1. Vị trí địa lý

           - Vĩ độ: 13°47'13" - 14°36'34"

           - Kinh độ: 108°0'31" - 108°47'56" 

           - Điểm trung tâm: 108°24'13,67"E; 14°11'46,241"N

          1.2. Diện tích

          Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng có tổng diện tích 413.511,67 ha, bao gồm:

          - Vùng lõi: 57.439,83 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Vùng lõi 1) và Khu BTTN Kon Chư Răng (Vùng lõi 2).

          - Vùng đệm:  152.693,98 ha, bao gồm: Công ty TNHH MTV LN Trạm Lập, Công ty TNHH MTV LN Đăk Rong; và một số xã ở huyện Đak Đoa, Mang Yang, Kbang.

          - Vùng chuyển tiếp: có diện tích 203.377,86 ha, bao gồm một số xã ở các huyện: Chư Păh, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, Kbang thị xã An Khê.

anh tin bai

Bản đồ phân vùng, diện tích và dân số Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới

2. Đặc điểm sinh thái:

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng cơ bản giữ vẹn nguyên hệ sinh thái đặc trưng là rừng kín nhiệt đới, á nhiệt đới với cây xanh lá rộng, cây lá kim, rừng thường xanh lá kim, thảm cây bụi, trảng cỏ… có tính đa dạng sinh học cao.

- Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (vùng lõi 1) với các loài đặc hữu được phát hiện như loài Khướu Kon Ka Kinh (Garrulax konkakinhensis), các loài thú như Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), Mang Trường Sơn (Muntiacus trươngsonensis), Chà vá (Pygathrix nemaeus). Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) là loài linh trưởng đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam. Đây là loài linh trưởng đang đứng trong danh sách 25 loài có nguy cơ bị tiệt chủng cao nhất thế giới (theo IUCN 2008). Theo sách Đỏ Việt Nam, loài Chà vá chân xám được xếp loại cực kỳ nguy cấp (CR). Số lượng cá thể trong tự nhiên chỉ còn khoảng 1000 con, trong đó Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là nơi có quần thể loài chà vá lớn nhất Việt Nam với khoảng 250 cá thể. 

anh tin bai

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

         Khu BTTN Kon Chư Răng (vùng lõi 2) là một bộ phận của vùng Chim Đặc hữu Cao nguyên Kon Tum và đã được công nhận là một trong số các vùng chim quan trọng tại Việt Nam (Tordoff 2002). Đáng chú ý là các đợt khảo sát về khu hệ bướm đã phát hiện 7 taxon có thể là mới cho khoa học (Anon. 1999). Ngoài ra, Trầm hương (Aquilaria crassna) (CR) và Sao hải nam (Hopea hainanensis (EN) là các loài thực vật đang bị đe doạ tuyệt chủng toàn cầu (theo IUCN, 2019).

anh tin bai

Trụ sở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Vùng lõi 2)

         Ngoài ra, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Vùng lõi 2) là nơi đặt trụ sở của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga (Trạm nghiên cứu quan trắc sinh thái và đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tỉnh Gia Lai), kết quả đã ghi nhận bảo tồn 1505 loài động thực vật và 66 loài vi nấm, cập nhật thêm 43 loài chim, 02 loài ếch và 04 loài rắn từ các báo cáo nghiên cứu khoa học của Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga.

anh tin bai
Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga
 
          Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng có 2 vùng lõi (vùng lõi 1- Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và vùng lõi 2 - Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng), nối kết 2 vùng lõi là hành lang (vùng đệm) bảo tồn đa dạng sinh học tạo nên hệ thống bảo tồn cảnh quan theo nguyên lý SLIQ (Tư duy hệ thống, qui hoạch cảnh quan, điều phối liên ngành, kinh tế chất lượng).