image banner
 
Rừng Kon Hà Nừng - lá phổi xanh giữa đại ngàn Tây Nguyên
Lượt xem: 21
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng với hàng ngàn ha rừng tự nhiên được ví như “lá phổi xanh” khổng lồ điều hòa cho toàn vùng Tây Nguyên.

Rừng Kon Hà Nừng - lá phổi xanh giữa đại ngàn Tây Nguyên

Thác K50 tuyệt đẹp trong vùng lõi thuộc cao nguyên Kon Hà Nừng

Ngày 1.1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết ngành chức năng đang bảo tồn cảnh quan khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng. Hoạt động này nhằm phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân vùng đệm rừng.

Cao nguyên Kon Hà Nừng được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới với diện tích 413.512ha. Trong đó, bao gồm toàn bộ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Khu dự trữ sinh quyển trải dài trên diện tích của thị xã An Khê cùng 5 huyện Đăk Đoa, Mang Yang, KBang, Chư Păh, Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai.

 

Rừng nguyên sinh đa dạng ở cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Tổng cục Du lịch

Rừng nguyên sinh đa dạng ở cao nguyên Kon Hà Nừng

Hai vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có những khoảnh rừng nguyên sinh, thảm thực vật với hệ thống hồ, suối đa dạng. Khí hậu mát mẻ, ôn hòa được điều tiết bởi hệ động, thực vật phong phú.

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh thuộc khu dự trữ là nơi cung cấp nguồn thực phẩm với các loại rau, lá thuốc quý. Vườn quốc gia này hiện có khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao, 91 loài thực vật bậc thấp, 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát cùng nhiều loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

 

Chim hoét vàng quý hiếm trong rừng. Ảnh: Thanh Tuấn

Chim hoét vàng quý hiếm trong rừng

Đáng chú ý có 3 loài thú đặc hữu của Đông Dương bao gồm voọc chà vá chân xám, vượn đen má hung Trung Bộ và mang lớn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cùng với bảo tồn, ngành chức năng đang nghiên cứu tạo ra các mô hình sinh kế cho người dân bản địa, vốn sống dựa vào rừng và khai thác các lợi ích phát triển kinh tế du lịch.

Người Ba Na, Jrai bản địa sinh sống quanh khu vực vùng đệm của rừng với văn hóa, tập tục đa dạng sẽ thu hút khách tham quan.

Người dân cùng chính quyền địa phương gắn bó để bảo vệ rừng bền vững, tăng thu thập từ rừng bằng nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng, giao khoán bảo vệ rừng và hình thức bán tín chỉ carbon rừng trong tương lai không xa.