Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới là danh hiệu do UNESSCO trao tặng cho các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học. Kể từ khi được thành lập vào năm 1976 đến nay, mạng lưới Khu DTSQ phát triển rộng khắp trên các châu lục của thế giới, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những nỗ lực và đóng góp trong việc phát triển mạng lưới các khu DTSQ trên toàn cầu và hiện có 11 khu DTSQ được UNESSCO công nhận là những khu vực quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Nhân kỉ niệm lần thứ hai "Ngày Quốc tế về Khu Dự trữ sinh quyển (03/11)" trên toàn thế giới, chúng ta hãy cùng điểm lại những thông tin nổi bật của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.
Ngày 26/5/2009, tại đảo Jeju – Hàn Quốc, Ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới của UNESCO đã công nhận Cù Lao Chàm – Hội An là khu DTSQ thế giới với những tài nguyên thiên nhiên phong phú và các giá trị văn hoá đặc trưng, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên với con người tại vùng đất này.
Phạm vi KSQ bao gồm toàn bộ diện tích phần đất liền của thành phố Hội An và phần biển được xác định từ các điểm giới hạn phân vùng Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nối với các điểm ranh giới trong đất liền của Hội An, với tổng diện tích 33.475 ha.
KSQ được phân thành 3 vùng chức năng (Trích Quy chế Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An):
a) Vùng lõi – Gồm toàn bộ những đảo nổi và các phân khu chức năng (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ – hành chính và vùng đệm) trong phạm vi Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (KBTB).
b) Vùng đệm: Gồm phần biển bao xung quanh vùng lõi cùng với toàn bộ diện tích hệ thống sông, kênh rạch, ao hồ tự nhiên, vùng đất ngập nước tự nhiên, bãi biển thuộc thành phố Hội An với diện tích 20.350 ha.
c) Vùng chuyển tiếp: Là phần diện tích tự nhiên còn lại của Hội An với diện tích 1.565 ha, trong đó nổi bật là Khu Phố cổ Hội An – Di sản văn hóa thế giới, các làng nghề truyền thống đặc trưng thể hiện sự giao thoa, tương tác giữa con người và thiên nhiên.
Danh hiệu Khu DTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là sự ghi nhận của thế giới về vận hành mô hình khu sinh quyển với cách lựa chọn tiếp cận phù hợp, những nỗ lực vượt bật trong thời gian dài của người dân, các tầng lớp xã hội, các thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, giáo dục và các cấp chính quyền thành phố Hội An trong công tác bảo tồn và phát triển những tài sản, giá trị của địa phương.
Một số các mô hình điển hình như: chương trình “Nói không túi ni lông” và nâng cao hiệu quả với nhiều mô hình giảm thiểu rác thải: Cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF), Mô hình Ngôi nhà đại dương thu gom rác thải nhựa, mua sắm không bao bì Refill,…
Xây dựng và hình thành nhiều mô hình để hỗ trợ cộng đồng phát triển sinh kế bền vững gắn liền với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương như các mô hình sinh kế biển tại Cù Lao Chàm, các mô hình du lịch sinh thái tại Cẩm Thanh thông qua các mô hình du lịch học tập cộng đồng.
Xây dựng mô hình đồng quản lý bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm chia sẻ quyền, trách nhiệm cho cộng đồng và các bên liên quan để quản lý, khai thác và phát triển sinh kế bền vững dựa trên nền tảng bảo tồn cũng là phương thức đang được áp dụng hiệu quả tại Tiểu khu bảo tồn biển thôn Bãi Hương, Cù Lao Chàm, Hội An.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Khu DTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An cũng đang đối mặt với nhiều thách thức với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như đại dịch COVID-19, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.
Để hưởng ứng Ngày quốc tế về Khu DTSQ, mỗi chúng ta hãy suy nghĩ nhiều hơn về cách sử dụng bền vững hệ sinh thái, lan toả hành động bảo vệ môi trường, sống kết nối với thiên nhiên vì một tương lai tốt đẹp.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế về Khu DTSQ và tổng kết hoạt động của Mạng lưới Khu DTSQ Việt Nam năm 2023, Uỷ ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) phối hợp với Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học tổ chức sự kiện Tổng kết Mạng lưới các Khu DTSQ của Việt Nam và Hội thảo Khoa học “Phát huy giá trị các Khu Dự trữ sinh quyển của Việt Nam phục vụ phát triển bền vững” tại Hà Nội, dự kiến diễn ra vào ngày 03/11/2023.
Văn Thúy – tổng hợp